Để hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên phát triển bền vững
Ngoài chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm GDNN-GDTX được quy định trên đây, để Trung tâm này hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững, nên chăng Bộ GD&ĐT bổ sung thêm chức năng đào tạo nghề bậc trung cấp cho Trung tâm GDNN- GDTX ở các Huyện.
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và giáo viên dạy nghề sau khi sáp nhập, Trung tâm GDNN- GDTX có khả năng đào tạo nghề bậc trung cấp.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần bổ sung thêm chức năng đào tạo nghề bậc trung cấp cho các Trung tâm GDNN- GDTX ở các Huyện, với những nghề mà địa phương có nhu cầu, thay vì chỉ: “Tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, đào tạo nghề nghiệp dưới 03 tháng” hoặc chỉ được liên kết đào tạo trung cấp nghề như hiện nay.
Hiện nay, các trường Trung cấp nghề chỉ có ở thành phố, thị xã và học sinh tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15 rất khó khăn khi phải đi học nghề ở nơi xa nhà.
Khi đó, học ở Trung tâm GDNN- GDTX các em vừa học chương trình GDTX cấp THPT, vừa được đào tạo nghề bậc trung cấp.
Sau khi hoàn thành chương trình GDTX, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng Trung cấp nghề, có thể được học liên thông lên các cấp học cao hơn hoặc sẽ là lao động có tay nghề làm việc trong các khu công nghiệp ở địa phương.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cho phép các Trung tâm GDNN-GDTX ở các Huyện được thực hiện chế độ miễn hoặc giảm học phí 50% so với học phí phổ thông.
Qua đó, Trung tâm GDNN- GDTX ở các Huyện sẽ thu hút ngày càng đông học sinh tốt nghiệp THCS vào học, thay vì số lượng vào học hệ GDTX ở Trung tâm rất ít như hiện nay. Thực hiện điều này, việc phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn Huyện sẽ có hiệu quả cao hơn.
Để thực hiện được yêu cầu nêu trên, Bộ GD&ĐT cần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các Trung tâm GDNN- GDTX nhằm tạo thuận lợi để Trung tâm GDNN- GDTX hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
Để làm được điều đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề phải được đào tạo chính quy, ngoài phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt, giáo viên dạy nghề dù dạy lý thuyết hay thực hành, dạy trình độ sơ cấp hay trung cấp nghề phải có trình độ tốt nghiệp từ Cao đẳng nghề trở lên. Có được đội ngũ giáo viên dạy nghề như thế Trung tâm GDNN- GDTX mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người học.
Về đội ngũ cán bộ quản lý Trung tâm, ngoài phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt, cán bộ quản lý Trung tâm phải là những người có trình độ chuyên môn ít nhất tốt nghiệp Đại học sư phạm kỹ thuật, mới có thể mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động đào tạo nghề; so với tiêu chuẩn giám đốc, phó giám đốc theo Thông tư 39 chỉ nêu: “Có phẩm chất, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có đủ sức khỏe và qua bồi dưỡng về năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý”.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu việc phân cấp quản lý Trung tâm GDNN- GDTX phù hợp hơn, bởi theo Thông tư 39 về chuyên môn ở Trung tâm có hai đơn vị quản lý đó là : "Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về đào tạo nghề nghiệp đối với Trung tâm GDNN- GDTX ; Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp đối với Trung tâm GDNN- GDTX".
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung tâm GDNN- GDTX phối hợp với các trường phổ thông tổ chức dạy tốt Hoạt động giáo dục nghề phổ thông lớp 11 và Hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Tại điều 13 Thông tư 39 đã chỉ rõ nhiệm vụ của Trung tâm GDNN- GDTX: “Tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho người học; phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh”.
Thiết nghĩ, với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và giáo viên dạy nghề sau khi được sáp nhập Trung tâm GDNN - GDTX có đủ khả năng phối hợp với các trường phổ thông trong Huyện không những tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh mà còn phối hợp tổ chức dạy tốt Hoạt động Giáo dục nghề phổ thông lớp 11 và Hoạt động Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Thông qua hoạt độngGiáo dục nghề phổ thông lớp 11, các em được lựa chọn để học đúng theo sở thích và năng lực của bản thân một trong số 11 nghề mà Bộ GD&ĐT có ban hành tài liệu dạy học, bao gồm: Làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay và tin học văn phòng.
Mặt khác, thông qua Hoạt động Giáo dục hướng nghiệp các em sẽ được định hướng để lựa chọn một nghề phù hợp sau khi học xong phổ thông.
Hy vọng rằng, sắp tới đây Trung tâm GDNN-GDTX sẽ có diện mạo mới, khi đi vào hoạt động, một mặt thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định theo Thông tư 39; mặt khác góp phần vào việc thực hiện tốt Chỉ thị số: 10-CT/TW của Bộ chính trị, đó là: “Đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề ”.